Sự phong phú của chất liệu vải là điều mà chúng ta không thể phủ nhận. Nổi bật trong số những chất vải độc đáo và được yêu thích nhất không thể thiếu vải thổ cẩm dân tộc. Vậy sự thật ẩn sau những đường nét hoa văn kỳ lạ, những gam màu rực rỡ trên vải là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Đồng Phục Vanda.
Mục lục nội dung
Vải thổ cẩm dân tộc là gì?
Chất liệu vải thổ cẩm dân tộc được biết đến như một dấu ấn văn hoá đặc trưng của người đồng bào dân tộc nước ta. Tên tiếng Anh của vải gọi là Brocade. Đây là một loại vải truyền thống đặc trưng. Vải được dệt hoàn toàn thủ công từ các loại sợi tự nhiên như cây bông, cây lanh, cây gai,… Mỗi tấm vải thổ cẩm là một câu chuyện được kể bằng hoa văn và sắc màu, thể hiện bản sắc riêng biệt của từng vùng miền. Quy trình làm nên tấm vải đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo, tỉ mỉ của thợ dệt. Không hào nhoáng, không phô trương, nhưng nó có một sức hút kỳ lạ.
Điểm nổi bật của vải thổ cẩm là hoa văn tinh xảo, sống động. Chúng được tạo ra ngay trong quá trình dệt ở khung cửi chứ không phải thêu tay. Chủ đề hoạ tiết phong phú, thường là các hình tượng núi rừng, con người hoặc tín ngưỡng dân gian. Bên cạnh đó, màu sắc của sợi vải hoàn toàn từ thiên nhiên. Chẳng hạn như màu đỏ từ vỏ cây Krung, vàng từ củ nghệ, đen từ lá chùm bầu ngâm bùn non, nâu đỏ từ vỏ cây sủi đun với giấm, xanh từ lá chàm kết hợp vôi vỏ ốc,… Ngày nay, vải thổ cẩm không chỉ xuất hiện trong trang phục mà còn được dùng làm túi xách, khăn choàng, phụ kiện,… Đấy cũng như một cách để lưu giữ và tôn vinh văn hóa dân tộc.
Ưu nhược điểm của vải thổ cẩm dân tộc
Ở loại vải đặc biệt này cũng có những ưu và nhược điểm riêng.
Ưu điểm
Vải thổ cẩm dân tộc không chỉ mang giá trị văn hóa truyền thống mà còn sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật. Điều này giúp vải phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện đại. Cụ thể có thể kể đến như:
- Vải được dệt từ các loại sợi tự nhiên nên mang lại sự mềm mại, thoáng mát và dễ chịu khi mặc.
- Khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Từ đó giúp người mặc luôn cảm thấy khô thoáng.
- Họa tiết và màu sắc đa dạng, đậm chất dân tộc giúp người dùng có nhiều lựa chọn phù hợp với sở thích.
- Vải không sử dụng phẩm màu hóa học mà hoàn toàn được nhuộm từ nguyên liệu thiên nhiên. Đảm bảo thân thiện với làn da.
- Quy trình sản xuất vải thủ công, thân thiện với môi trường.
Nhược điểm
Vải thổ cẩm dân tộc cũng tồn tại một số nhược điểm. Do được dệt thủ công từ các sợi tự nhiên như bông, lanh nên vải thường có độ bền không cao bằng vải công nghiệp. Do đó sau một thời gian, vải dễ bị mục nếu không được bảo quản cẩn thận. Quá trình nhuộm màu tự nhiên cũng khiến vải dễ bị phai màu dưới tác động của ánh nắng mặt trời hay chất tẩy rửa mạnh.
Thêm vào đó, giá thành của vải thổ cẩm thường khá cao. Điều này đó quy trình sản xuất tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian và công sức của người thợ. Tính ứng dụng của vải trong đời sống hàng ngày cũng có phần hạn chế hơn so với các loại vải thông thường.
Ứng dụng của vải thổ cẩm dân tộc
Với sự độc đáo về màu sắc và họa văn, vải thổ cẩm dân tộc rất được coi trọng trong đời sống. Tính ứng dụng của loại vải này cũng vô cùng đa dạng. Chẳng hạn như:
Thời trang và Phụ kiện
Ứng dụng nổi bật nhất của vải thổ cẩm nằm trong lĩnh vực thời trang. Với họa tiết độc đáo, màu sắc phong phú và mang đậm dấu ấn văn hóa, thổ cẩm được sử dụng để tạo ra những bộ trang phục ấn tượng. Có thể kể đến như áo dài cách tân, váy, áo khoác đến quần. Vải được săn đón trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh trang phục, vải thổ cẩm còn được dùng để tạo ra các phụ kiện như túi xách, ví, khăn choàng, mũ, giày dép,…
Trang trí nội thất
Vẻ đẹp tự nhiên của vải thổ cẩm cũng được ứng dụng rộng rãi trong trang trí nội thất. Những tấm thảm thổ cẩm với hoa văn tinh xảo có thể trở thành điểm nhấn cho phòng khách hoặc phòng ngủ. Vải thổ cẩm còn được dùng để bọc ghế sofa, làm vỏ gối tựa, rèm cửa, khăn trải bàn. Ngoài ra, các sản phẩm trang trí nhỏ như tranh treo tường, đồ lưu niệm làm từ thổ cẩm cũng được chuộng.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ và quà tặng
Với giá trị văn hóa và nghệ thuật cao, vải thổ cẩm là nguyên liệu lý tưởng để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Những món quà lưu niệm, đồ trang trí, búp bê, móc khóa được làm từ thổ cẩm chứa đựng ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Nó trở thành món quà ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè và khách du lịch.
Một số lưu ý về cách bảo quản vải thổ cẩm dân tộc
Để giữ gìn vẻ đẹp và độ bền của vải thổ cẩm dân tộc, bạn nên có cách bảo quản phù hợp. Vì được dệt thủ công từ sợi tự nhiên và nhuộm màu truyền thống, vải thổ cẩm đòi hỏi sự chăm sóc cẩn trọng hơn. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng bạn cần nắm rõ:
- Nên giặt tay vải thổ cẩm bằng nước lạnh hoặc nước ấm nhẹ.
- Tránh sử dụng các loại bột giặt có chất tẩy rửa mạnh.
- Không ngâm nước quá lâu. Vò nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh để không làm xước sợi vải và phai màu.
- Tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Nên phơi vải ở nơi thoáng mát, có bóng râm.
- Hãy sử dụng bàn ủi ở chế độ nhiệt thấp hoặc trung bình.
- Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
- Nên treo hoặc gấp gọn gàng trong tủ quần áo khô thoáng.
- Tránh tiếp xúc với nước hoa, thuốc tẩy hoặc các chất tẩy rửa mạnh khác.
Đồng Phục Vanda vừa giúp bạn biết được thông tin về vải thổ cẩm dân tộc là gì. Không đơn thuần chỉ là một chất liệu may mặc, loại vải này còn chứa đựng cả những câu chuyện văn hoá của mỗi dân tộc. Vì thế là thế hệ trẻ, ngoài việc quan tâm tìm hiểu, bạn cũng nên biết cách quảng bá nét đặc sắc này.
Xem thêm
Top 5 các loại vải sọc caro được ưa chuộng trong ngành thời trang
Vải thun lạnh có đắt không? Giá vải thun lạnh các loại